Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận: Liệu có thông tuyến được trong năm 2020?

Thứ ba - 10/09/2019 22:13
VOV.VN -Những khó khăn trong tiếp cận và giải ngân nguồn vốn tín dụng có thể đẩy Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đứng trước nguy cơ đổ vỡ...

Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 15/8  Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định: “Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thông tuyến vào cuối năm 2020”. Cơ sở để Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định việc này là, “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã hứa với Thủ tướng sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại bằng mọi cách cung cấp vốn để xong được cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cuối năm 2020".

Như vậy chỉ còn hơn 1 năm để tuyến cao tốc này hoàn thành, nhưng khối lượng công việc của dự án vẫn còn nhiều, nếu không có những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, dự án sẽ bị tiếp tục...vỡ tiến độ.

Qúa nhiều nút thắt cần tháo gỡ...

Hiếm có một công trình hạ tầng giao thông theo hình thức PPP (Đối tác công-tư) nào lại gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn tín dụng như Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do UBND tỉnh Tiền Giang là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Chỉ trong vòng từ đầu tháng 6/2019 đến nay, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT, hiện chỉ còn đóng vai trò là bộ quản lý ngành) đã phải phát 2 công văn gửi Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đề nghị sớm giải vòng vây tín dụng cho Dự án.
tl7 vov umqg

Trong Công văn 6320/BGTVT-ĐTCT ngày 5/7/2019, Bộ GTVT đề nghị VietinBank và các tổ chức tín dụng hợp vốn, trên cơ sở tham khảo các dự án tương tự đã và đang triển khai, quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP và các quy định có liên quan tiến hành thẩm định cấp tín dụng song song với việc thẩm định, điều chỉnh Dự án của UBND tỉnh Tiền Giang.

Ông Mai Mạnh Hồng-Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận lo lắng, hạn hoàn thành theo chỉ đạo đã có mà việc thì nhiều như núi, bao khó khăn chưa được xem xét giải quyết.

“Chúng tôi đã tính toán cả thời gian xử lý nền đất yếu, lường trước khó khăn của việc vận chuyển vật liệu...thế nên đã lên kế hoạch cho từng tháng, thậm chí mỗi ngày phải làm được khối lượng việc ra sao mới kịp. UBTV Quốc hội phê duyệt nguồn vốn ngân sách mà Chính phủ trình lúc nào thì ngay lập tức lúc đó tất cả đồng loạt triển khai. Không thể chậm hơn được nữa. Hết thời gian rồi..”, ông Hồng nói.
tl5 vov wclo

Theo ông Hồng, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ liên tiếp tại thông báo số 99/TB-VPCP ngày 18/3/2019 và số 272/TB-VPCP ngày 02/8/2019 về các giải pháp tháo gỡ các khó khăn của dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, nhà đầu tư đã chủ động làm việc với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Thuế để rà soát các tồn tại trước đây của dự án và tham vấn ý kiến để khắc phục, điều chỉnh; Cơ quan CSĐT – bộ Công An để khoanh vùng những sai phạm của thành viên nhà đầu tư là Công ty Yên Khánh; Bàn giao Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang; Ký kết Phụ lục hợp đồng số 02 ngày 08/5/2019 với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh lãi suất Ngân hàng...

Trên cơ sở ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra thuế đã loại bỏ các nhà đầu tư “0 đồng” là Công ty Yên Khánh, Hoàng An và Thắng Lợi. Hiện tại, chỉ còn 3 nhà đầu tư là Công ty Cầu đường CII, Tuấn Lộc và B.M.T, đồng thời đã được Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

“Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước và ý kiến thẩm định của Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt điều chỉnh dự án và ký kết phụ lục hợp đồng điều chỉnh dự án với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Đến nay, nhà đầu tư đã huy động góp vốn chủ sở hữu và đưa vào dự án 2.500 tỷ đồng tham gia vào dự án, ứng trước chi phí GPMB cho tỉnh Tiền Giang để triển khai. Đến nay đã hoàn thành 25% khối lượng Dự án, 3 tháng qua đã tăng hơn 10% so với khối lượng thực hiện trong 10 năm trước đây...”, ông Hồng cho biết.

tl2 vov hugk

Ông Hồng cho biết, sau khi nhà thầu thi công tổ chức giăng băng rôn đòi nợ ngày 23/7/2019, chủ đầu tư và nhà thầu thi công dự án Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận trong buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang một ngày sau đó đã thống nhất rằng nếu dự án không có vốn, không còn cách nào khác, buộc phải tạm dừng thực hiện dự án.

Cũng trong buổi làm việc này, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận khẳng định, những vướng mắc này đã “vượt ra khỏi khả năng của doanh nghiệp dự án” và “vượt ra khỏi sức chịu đựng của các nhà thầu” nên họ buộc phải đưa ra một kế hoạch dự kiến cho việc dừng dự án.

Nguy cơ vỡ tiến độ vì...phải chờ đợi

Sau hơn 3 tháng tái khởi động dự án, các nhà thầu nỗ lực hết sức nhưng đang khó khăn rất lớn. Đó là việc xác định được nguồn vốn cho Dự án từ  Ngân sách Nhà nước bao giờ được Quốc Hội thông qua, vốn tín dụng từ các ngân hàng còn đang soi xét chưa định rõ việc thẩm định cho vay.

“Thời gian tới, nếu Dự án không được xác định nguồn vốn thì  khả năng chúng tôi sẽ xác lập điểm dừng để đề nghị tỉnh Tiền Giang báo cáo Chính phủ và Quốc hội xác lập thời gian thông tuyến, sẽ không thể là 2020, còn việc hoàn thành Dự án vào năm 2021 tùy thuộc vào nguồn vốn đầu tư, trách nhiệm cam kết với 20 triệu người dân ĐBSCL…sẽ để cho sự thật phán xét, chúng tôi đã nỗ lực hết sức trong thời gian qua”, ông Mai Mạnh Hồng nói.

Về nguồn vốn ngân sách nhà nước, được biết Chính phủ đã có các tờ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2.186 tỷ đồng hỗ trợ dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2018, nhưng đến nay chưa có ý kiến chấp thuận của Uỷ ban TVQH nên chưa thể xác định được kế hoạch bố trí vốn, thời gian giải ngân vốn, làm cơ sở đảm bảo phương án tài chính của dự án, phương án vay vốn.

tl1 vov avtl

Với sự quyết tâm của nhà đầu tư, sự hỗ trợ có trách nhiệm của tỉnh Tiền Giang, khả năng thông tuyến 2020 là hoàn toàn khả thi nhưng cần xác định thời gian có vốn của ngân sách Nhà nước tại dự án sớm, các thủ tục giải ngân không bị vướng và hy vọng sẽ không có quy định nào mời từ Quốc hồi ban hành để dẫn đến nguồn vốn lại bị thu hồi như các trường hợp từng xảy ra trước đây ở các Dự án trước đây.

Ông Mai Mạnh Hồng cho biết thêm: “Ngày 15/08/2019 Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình UBTV Quốc hội phương án phân bổ nguồn vốn cho dự án Trung Lương – Mỹ Thuận. Dự kiến nội dung này, UBTV Quốc hội sẽ họp và quyết định tại kỳ họp tháng 09/2019”.

Thời gian đã trôi về những ngày cuối tháng 8, để triển khai thành công dự án, việc khơi thông nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước đến tín dụng rất quan trọng, có tính chất then chốt nhằm xác định khả năng thực hiện dự án thông được tuyến trong năm 2020, hoàn thành đưa vào sử  dụng cao tốc Trung Lương - Mỹ thuận trong năm 2021 không phụ thuộc vào năng lực của nhà đầu tư hiện nay.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, dài hơn 51km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho Quốc lộ 1A. Cao tốc là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sau 10 năm liên tục đình trệ, hiện dự án đạt khoảng 22% tổng khối lượng thi công, tỉnh Tiền Giang đã giải phóng mặt bằng được 98%, khoảng 50 km./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đối tác Chiến lược
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG HẠ TẦNG CII
Địa chỉ: Tòa nhà CII Tower, 152 Điện Biên Phủ, P.25, Bình Thạnh,Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 028 3512 0850   -  Fax:028 3512 0633
Email: info@ciiec.com.vn  Mã số thuế: 0304200346
Ghi rõ nguồn CII E&C ( http://ciiec.com.vn/ ) khi trích dẫn tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây