Chiều 23/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp thị sát tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và làm việc với nhà đầu tư dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thị sát dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. Ảnh: Hải Đường
Tại hiện trường, Phó Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư chỉ đạo các nhà thầu tập trung phương tiện kỹ thuật, nhân lực đẩy nhanh tiến
độ để đến tháng 9/2020 tuyến đường được thông tuyến.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương lân cận như Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp… sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư nguồn cung về cát để phục vụ dự án. Riêng UBND tỉnh Tiền Giang tập trung chỉ đạo các địa phương có tuyến cao tốc đi qua, đẩy nhanh tiến độ GPMB bàn giao cho đơn vị thi công. Đồng thời phối hợp với nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công dự án.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đại diện nhà đầu tư cho biết, tổng diện tích đất bồi thường dự án khoảng 458ha, số hộ bị ảnh hưởng của dự án 3.000 hộ. Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã chuyển cho địa phương số tiền bồi thường GPMB trên 1.345 tỷ đồng, đạt 99,7%. Địa phương đã bàn giao mặt bằng trên 49km, đạt 96%. Nhà đầu tư cũng cam kết với Phó Thủ tướng đến 9/2020 dự án sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác.
Các nhà thầu thi công tập trung thi công nền hạ dự án. Ảnh: Hải Đường
Chủ đầu tư báo cáo toàn tuyến có 21 gói thầu, đến nay đã triển khai thi công 19 gói. Hiện, đang thi công các hạng mục trên hiện trường gồm: Dọn mặt bằng, rải vải kỹ thuật được 23/45,5km, đạt 52%; thi công xử lý nền đất yếu, cắm bấc thấm được 7,16/37,85km, đạt 16%; đắp nền đường đạt 43% và đang triển khai thi công móng, mố trụ các cầu.
Trước đó, đại diện nhà thầu cũng cho biết, hiện đang gặp một số khó khăn khiến dự án bị chậm tiến độ. Cụ thể theo qui định của Thông tư 75/2017/TT-BTC, lãi suất vốn áp dụng cho dự án thấp hơn lãi suất vay thực tế hiện nay của các ngân hàng thương mại khoảng 4% (lãi suất tính theo Thông tư 75 khoảng 6,77%; trong khi lãi vay thực tế 10,83%).
Trong quá trình tổ chức thẩm định để cấp khoản vay cho dự án, các ngân hàng đã đánh giá mức lãi suất vay vốn như vậy không phù hợp và dự án không có khả năng hoàn vốn. Theo kết quả tính toán phương án tài chính, nhà đầu tư mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu khoảng 3.369 tỷ đồng. Vì vậy, đến nay nguồn vốn tín dụng vẫn chưa giải ngân được.
Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận thi công 19/21 gói thầu. Ảnh: Hải Đường
Ngoài ra, nguồn cung ứng vật liệu, đặc biệt là cát đắp nền đường của dự án cần tổng khối lượng khoảng 7.800.000m3. Hiện, đã thi công khoảng 1.300.000m3, còn 6.500.000m3 (bình quân mỗi tháng cần khoảng 500.000m3). Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung cấp cát hạn chế và giá cả biến động theo thời điểm nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn