Năm 2009, Cầu Rạch Miễu được đưa vào sử dụng, tiếp sau đó là các cây cầu lớn khác trên tuyến là Hàm Luông, Cổ Chiên lần lượt hoàn thành mở ra cơ hội phát triển cho các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh. Khi cầu Đại Ngãi thông xe, thì toàn tuyến thông suốt sẽ mở ra cơ hội cho toàn bộ 6 tỉnh ĐBSCL.
Kể từ khi cầu Cổ Chiên (nối Trà Vinh với Bến Tre) đưa vào sử dụng, lưu lượng phương tiện lưu thông tăng đột biến làm cho tuyến đường trở nên quá tải, cầu Rạch Miễu thường xuyên bị ùn tắc.Theo dự báo, sau khi cầu Đại Ngãi hoàn thành, thì lưu lượng xe sẽ tăng nhiều lần, do đó cần thiết phải nâng cấp mở rộng tuyến đường này.
Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận phương án xây dựng cầu Rạch Miễu 2. Theo đó, sẽ có 2 phương án để thực hiện dự án này: Phương án 1, cầu Rạch Miễu 2 sẽ được xây bên cạnh cầu Rạch Miễu hiện hữu, mặt cầu rộng 12m, tổng mức đầu tư gần 2.768 tỉ đồng; phương án 2, cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,3km về phía thượng lưu, với tổng mức đầu tư 4.702 tỉ đồng. Trong đó, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đề xuất phương án 2 và đề nghị tận dụng Tỉnh lộ 883 (thuộc huyện Châu Thành, Bến Tre) để kết nối cầu Rạch Miễu 2 với Quốc lộ 60 (tại vị trí ngã tư An Khánh), thay vì mở đoạn tuyến nối trực tiếp đến cầu Hàm Luông. Nếu thực hiện phương án này, tổng mức đầu tư sẽ giảm được khoảng 700 tỉ đồng.
Từ đầu năm 2016, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã khởi động Dự án Nâng cấp tuyến Quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên, với tổng chiều dài hơn 22km. Điểm đầu tại Km 3+343,96 và điểm cuối tại Km 41+347 tiếp nối vào đường dẫn cầu Cổ Chiên.
Theo dự kiến, Dự án trên sẽ gồm 4 đoạn: Đoạn 1 mở rộng từ Km 3+343,96 đến Km7+800, bề rộng mặt đường 21 m, gồm 6 làn xe cơ giới; đoạn 2 nâng cấp mở rộng từ cuối đường đầu cầu Hàm Luông đến đầu tuyến tránh thị trấn Mỏ Cày (từ Km 23+100 - Km26+844,26); đoạn 3 tuyến tránh thị trấn Mỏ Cày (Km 26+844,26 – Km 32+417) và đoạn 4 là đường dẫn vào cầu Cổ Chiên (Km 32+417 - Km 41+347). Cả 3 đoạn trên được thiết kế bề rộng mặt đường 7 m, với 2 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 80km/h. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý IV/2017.
Mới đây, Bộ GTVT cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Dự án Xây dựng cầu Đại Ngãi sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, nhằm sớm triển khai dự án này.
Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi có chiều dài tuyến hơn 15km bao gồm: 7 cầu (2 cầu chính là cầu Đại Ngãi 1 và 2; 5 cầu trung và nhỏ) và đường dẫn vào cầu, trong đó cầu Đại Ngãi 1 dài 2.240m dạng cầu dây văng vượt qua luồng Định An, với tĩnh không thông thuyền 45 m, chiều rộng thông thuyền tối thiếu 300 m. Cầu Đại Ngãi 2 dài 860m dạng cầu đúc hẫng cân bằng vượt qua luồng Trần Đề. Mặt cắt ngang các cầu Đại Ngãi 1 và 2 với quy mô 4 làn xe, mặt cầu rộng 16m; đường dẫn hai đầu cầu và các cầu trên tuyến, trong giai đoạn trước mắt rộng 9m và sẽ mở rộng theo nhu cầu từng giai đoạn. Tổng mức đầu tư giai đoạn trước mắt của dự án khoảng 5.700 tỉ đồng.
Cầu Đại Ngãi hoàn thành sẽ nối thông toàn tuyến hành lang ven biển phía Đông, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển kinh tế, xã hội cho 6 tỉnh khu vực ĐBSCL.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn