Chiều 31-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại gói thầu XL04 (nút giao Thân Cửu Nghĩa, Châu Thành, Tiền Giang). Tại đây, Thủ tướng đã chỉ đạo: “Cuối năm 2020 phải thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đảm bảo chất lượng tốt lâu dài, chứ không được làm trước, làm nhanh mà chất lượng không đảm bảo là không được”.
tiến độ tăng hơn năm lần
Đây là lần thứ ba kể từ khi dự án được tái khởi động từ tháng 3-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp thăm công trường, chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tồn đọng nhằm đảm bảo mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020.
rực tiếp đến kiểm tra gói thầu XL04, Thủ tướng biểu dương chủ đầu tư, tỉnh Tiền Giang, đặc biệt Công ty cổ phần Đèo Cả, đơn vị thi công, tư vấn, giám sát công trình, Bộ GTVT, các đơn vị cung ứng vốn ngân sách, các ngân hàng cung ứng vốn tín dụng cho dự án. Và các đơn vị đã giải ngân số lượng vốn rất lớn trên 3.500 tỉ đồng vào dự án. Chỉ trong vòng vài tháng thi công, tiến độ công trình tăng hơn năm lần so với 10 năm trước đó. “Đây là cố gắng rất lớn, tôi biểu dương các đồng chí có liên quan thực hiện công trình này, bởi đây là dự án có ý nghĩa rất lớn đối với nhân dân ĐBSCL cũng như đối với kinh tế - xã hội khu vực” - Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu nhà đầu tư phải đảm bảo thực hiện tốt tiến độ này, kịp thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cuối năm 2020 để đáp ứng nguyện vọng chính đáng cho sự phát triển ĐBSCL.
Tại đây, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT thứ nhất là tiếp tục triển khai cầu Mỹ Thuận 2 sớm nhất vì đã có tiền cho dự án. Thứ hai là đảm nhận việc triển khai công trình cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cần triển khai sớm tuyến này. Đồng thời, nghiên cứu tuyến Cần Thơ - Cà Mau đưa vào kế hoạch năm 2021-2025 và 365 km từ TP.HCM đi Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau trong tương lai sẽ được kết nối đồng bộ.
Hoàn thành 60% khối lượng công trình
Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết thời gian qua, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và hạn mặn diễn ra gay gắt tại ĐBSCL dẫn đến khan thiếu nguồn nguyên vật liệu, gây trở ngại cho hoạt động thi công dự án. Dù vậy, ban điều hành đã cùng các nhà thầu nỗ lực vượt qua khó khăn, tìm mọi biện pháp để khắc phục. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác đắp gia tải xử lý nền đất yếu trên tuyến chính. Một số gói thầu đã tiến hành dỡ tải để triển khai thi công các hạng mục tiếp theo, trong tháng 8 sẽ có một số gói thầu chuẩn bị thực hiện công tác thảm nhựa.
Ông Đông cũng cho biết hiện trên công trường cao tốc có hơn 1.500 công nhân làm việc cùng nhiều phương tiện, máy móc, thiết bị phục vụ thi công. Đến nay, so với thời điểm Thủ tướng vào thị sát hồi tháng 3-2020, khối lượng thực hiện đã được đẩy tăng từ 40% lên gần 60% (tăng 20%), đảm bảo đúng kế hoạch thông tuyến vào cuối năm 2020 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo doanh nghiệp dự án, trên công trường các nhà thầu vẫn đang quyết tâm dốc lực thi công nhằm đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020, sẵn sàng phục vụ cho xe dưới 16 chỗ, xe dưới 2,5 tấn lưu thông trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Theo ông Đông, khó khăn, vướng mắc hiện nay là Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang chưa thống nhất vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn cho dự án do liên quan đến việc thu phí đồng bộ toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Chủ đầu tư đã nhiều lần đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm thống nhất quyết định vị trí đặt trạm thu phí để triển khai xây dựng.
Về vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn dự án, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu sớm và sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn